Cùng với các kỳ Đại hội của Đảng bộ các tỉnh Hà Đông, Sơn Tây, Hà Sơn Bình, các kỳ Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội là những mốc lịch sử quan trọng đánh dấu bước trưởng thành to lớn về công tác xây dựng Đảng, phong trào cách mạng của Đảng bộ Thành phố trong mỗi giai đoạn lịch sử.
Chặng đường hào hùng
Sớm tiếp thu ánh sáng cách mạng của Đảng, sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời một thời gian ngắn, ngày 17/3/1930, Đảng bộ Hà Nội được thành lập. Từ đặc thù của mình, Hà Nội luôn nhận được sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Trung ương Đảng nên trong suốt gần 3 thập kỷ sau khi được thành lập, Đảng bộ thành phố thực hiện đường lối cách mạng của Đảng thông qua các hội nghị toàn Đảng bộ nên không tổ chức đại hội.
Giai đoạn này cũng là một chặng đường hào hùng, Đảng bộ và nhân dân Hà Nội đã làm nên nhiều chiến công vĩ đại: Tổng khởi nghĩa thắng lợi làm nên Cách mạng Tháng Tám năm 1945; tiếp đến là cuộc kháng chiến chống Pháp cho đến giải phóng Thủ đô tháng 10/1954. Sau đó, Đảng bộ tiếp tục lãnh đạo nhân dân hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc, dân chủ, xây dựng chủ nghĩa xã hội giai đoạn 1954-1958.
Từ ngày 21-30/4/1959, Đảng bộ thành phố Hà Nội đã tổ chức Hội nghị cán bộ toàn Đảng bộ tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Theo chỉ thị của Trung ương, hội nghị này có ý nghĩa như một Đại hội của Đảng bộ (Đại hội lần thứ I). Đại hội đã vinh dự được đón Chủ tịch Hồ Chí Minh đến dự và phát biểu. Bác đã căn cặn: "Đảng bộ Hà Nội phải làm gương mẫu cho các Đảng bộ khác. Đảng bộ Hà Nội gương mẫu sẽ góp phần đưa miền Bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội, làm cơ sở vững mạnh đấu tranh giành thống nhất nước nhà".
|
Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ XV (Nhiệm kỳ 2010-2015) là Đại hội sau khi Quốc hội thông qua Nghị quyết mở rộng địa giới hành chính thành phố Hà Nội. |
Đại hội đã đề ra nhiều mục tiêu trong 2 năm (1959 - 1960) thực hiện công cuộc cải tạo chủ nghĩa xã hội. Đây được coi là nhiệm vụ trung tâm của Đảng bộ Thành phố mà khâu chính là cuộc cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh với hình thức cao. Tăng cường lực lượng kinh tế quốc doanh, phát động quần chúng cải tiến chế độ quản lý xí nghiệp; tích cực xây dựng cơ bản; phát triển giao thông vận tải; ra sức sản xuất công nghiệp, thủ công nghiệp và nông nghiệp. Trên cơ sở cải tạo và phát triển kinh tế thắng lợi, đẩy mạnh công cuộc phát triển văn hóa, giáo dục, cải thiện dân sinh và dần dần kiến thiết Thành phố về mọi mặt.
Đại hội đại biểu Đảng bộ Thành phố lần thứ II được tổ chức từ 25/1 - 2/2/1961 xác định nhiệm vụ của Thủ đô trong 2 năm (1961-1962) ra sức phát triển sản xuất công nghiệp và nông nghiệp, đẩy mạnh công cuộc phát triển kinh tế, lấy sản xuất công nghiệp làm trọng tâm, tiếp tục hoàn thành cải tạo xã hội chủ nghĩa (XHCN). Đồng thời ra sức phát triển văn hóa giáo dục, đề cao trình độ quản lý và kỹ thuật, chăm lo cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân. Tiến thêm một bước trên mọi con đường xây dựng Hà Nội thành Thủ đô xã hội chủ nghĩa, thành một Thành phố công nghiệp góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh thống nhất nước nhà.
Lần thứ hai Đảng bộ thành phố Hà Nội được đón Chủ tịch Hồ Chí Minh đến dự và phát biểu chỉ đạo Đại hội. Người tiếp tục căn dặn: “Đảng bộ Thủ đô và đồng bào, trước hết là công nhân Thủ đô phải gương mẫu, làm đầu tàu để đưa toàn miền Bắc giành lấy thắng lợi”.
Tháng 7/1963, Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ III đã xác định các giải pháp phấn đấu thực hiện một bước chuyển mới trong phát triển kinh tế, hoàn thiện quan hệ sản xuất mới. Đại hội đề ra mục tiêu chính trong 3 năm 1963-1965 là tiếp tục hoàn thành cải tạo XHCN, củng cố và hoàn thiện quan hệ sản xuất mới, từng bước cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân, xây dựng Hà Nội thành Thủ đô XHCN, góp phần tăng cường miền Bắc về mọi mặt làm cơ sở cho cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà.
|
Cầu Nhật Tân góp phần cho sự thay đổi của diện mạo Thủ đô. |
Đại hội lần thứ IV (tháng 4/1968) đặt mục tiêu vừa cùng cả nước chiến thắng giặc ngoại xâm, vừa tiếp tục xây dựng XHCN, đẩy mạnh xây dựng cơ sở vật chất và kỹ thuật, phát triển sản xuất. Thực hiện mạnh mẽ ba cuộc cách mạng, đặc biệt là cách mạng khoa học - kỹ thuật, cách mạng tư tưởng và văn hóa trong cả nước; xây dựng con người mới XHCN với phong cách người Thủ đô…
Tại Đại hội lần thứ V được tổ chức tháng 4/1971, Đảng bộ Thành phố đã tập trung lãnh đạo Nhân dân Thủ đô đẩy mạnh phát triển sản xuất, chống chiến tranh phá hoại của địch, chi viện cho tiền tuyến và làm tốt công tác hậu phương quân đội. Đặc biệt, quân và dân Thủ đô đã đập tan chiến dịch tập kích chiến lược đường không của địch cuối tháng 12/1972, góp phần đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ đến thắng lợi.
Đại hội lần thứ VI (tháng 4/1974) diễn ra trong năm kỷ niệm lần thứ 20 Ngày Giải phóng Thủ đô, bước vào thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội. Đại hội đã đề ra nhiệm vụ quan trọng là tích cực khắc phục hậu quả chiến tranh, ra sức khôi phục và phát triển kinh tế, văn hóa, đẩy mạnh việc xây dựng và cải tạo XHCN ở Thủ đô. Thực hiện nghĩa vụ đối với miền Nam ruột thịt để góp phần hoàn thành cách mạng dân tộc, dân chủ ở miền Nam, làm tốt công tác tuyển quân, công tác hậu phương. Luôn đề cao cảnh giác, sẵn sàng đối phó với mọi tình hình diễn biến, bảo vệ thành quả cách mạng.
Dấu ấn của công cuộc đổi mới
Đất nước được hoàn toàn giải phóng, thành phố Hà Nội và tỉnh Hà Tây bước vào thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đảng bộ Hà Nội đã tiến hành Đại hội lần thứ VII (tổ chức hai vòng vào cuối năm 1976 và giữa năm 1977), lần thứ VIII (năm 1980), lần thứ IX (tổ chức hai vòng vào tháng 1/1982 và tháng 6/1983).
|
Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt -Xô là nơi diễn ra Đại hội Đảng bộ Thành phố Hà Nội khóa XVII nhiệm kỳ 2020-2025. |
Điểm mốc khởi đầu bước vào thời kỳ đổi mới là Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ X được tổ chức từ 17 đến 23/10/1986 với 709 đại biểu tham dự. Đại hội đã đánh giá nghiêm túc những việc đã làm được và chưa làm được, tiến bộ và khuyết điểm, phân tích đúng các nguyên nhân; định ra phương hướng, mục tiêu và nhiệm vụ phấn đấu trong 5 năm tới.
Trong nhiệm kỳ này là giai đoạn vừa xây dựng cơ chế chính sách đổi mới, vừa lựa chọn bước đi phù hợp để tổ chức triển khai, Đảng bộ đã vượt qua nhiều khó khăn, lãnh đạo thành phố giành kết quả khá toàn diện, kinh tế tăng trưởng rõ rệt; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện; chính trị xã hội ổn định.
Từ tiền đề ban đầu đó, các Đại hội lần thứ XI (tổ chức vòng 1 từ ngày 25 đến 29/4/1991, vòng 2 từ ngày 16 đến ngày 19/11/1991), lần thứ XII (tổ chức từ ngày 7 đến ngày 9/5/1996) đều đánh dấu một bước tiến mới của Thủ đô trong công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị cũng như trên các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng và quản lý đô thị, bảo đảm quốc phòng - an ninh.
Đáng chú ý, Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ XIII (tháng 12/2000) được tiến hành vào thời điểm Thành phố vừa tổ chức kỷ niệm trọng thể 990 năm Thăng Long - Hà Nội vừa đón nhận danh hiệu “Thủ đô anh hùng”… Hà Nội xác định phát triển theo những định hướng cơ bản như tiếp tục xây dựng và phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN; nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của kinh tế Thủ đô… Trong giai đoạn này, Hà Nội tiếp tục có sự bứt phá mạnh mẽ, hoàn thành nhiều tuyến đường, khu đô thị mới hiện đại…
|
Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội được tổ chức vào 10/2020. |
Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ XIV (tháng 12/2005) là Đại hội phát huy truyền thống văn hiến, anh hùng và thành tựu đổi mới, xây dựng Thủ đô phát triển toàn diện, bền vững, thiết thực kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.
Tại Đại hội lần thứ XIV, đánh giá kết quả 20 năm đổi mới cho thấy, so với năm 1985, GDP năm 2005 của thành phố tăng khoảng 6,4 lần, thu ngân sách tăng trên 10 lần, kim ngạch xuất khẩu tăng 47,4 lần, mức thu nhập của người dân tăng 4 lần. Quản lý đô thị tiến bộ với khối lượng vận chuyển hành khách công cộng tăng 15 lần, xây dựng nhà ở tăng 10 lần, sản lượng cấp nước sạch tăng 4,3 lần…
Trong 20 năm thực hiện công cuộc đổi mới (1986-2006), Đảng bộ tỉnh Hà Tây đã trải qua các kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X (10/1986), XI (3/1992), XII (4/1996), XIII (12/2000) và lần thứ XIV (12/2005). Những kết quả đạt được về phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng và an ninh là động lực quan trọng, điểm tựa vững chắc để cùng với Đảng bộ Hà Nội thúc đẩy công cuộc đổi mới toàn diện sau khi thành phố Hà Nội được mở rộng địa giới hành chính vào tháng 8/2008.
Bứt phá mạnh mẽ, không ngừng phát triển
Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ XV (tháng 10/2010), là Đại hội nhiệm kỳ đầu tiên sau điều chỉnh mở rộng địa giới hành chính Thủ đô thực hiện theo Nghị quyết 15 của Quốc hội khóa XII, được tổ chức trong bối cảnh Thành phố vừa tổ chức thành công Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.
Trong giai đoạn này, Thành phố đã tập trung nâng cao sức cạnh tranh của kinh tế, phát triển đô thị văn minh, hiện đại, thúc đẩy xây dựng nông thôn mới, tích cực chăm lo phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh; ưu tiên phát triển khoa học - công nghệ, giáo dục - đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu phát triển Thủ đô trong thời kỳ mới.
|
Hạ tầng Thủ đô ngày càng đồng bộ, phát triển. |
Tháng 11/2015, Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ XVI, đã đề ra các giải pháp cho giai đoạn 2015 ]-2020, trong đó có 3 khâu đột phá, 16 chỉ tiêu cụ thể. Đại hội xác định mục tiêu tổng quát xây dựng Đảng bộ thực sự trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức Đảng và đảng viên; phát huy truyền thống văn hiến, anh hùng, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân; huy động mọi nguồn lực, đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa; xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại…
Trên chặng đường xây dựng và phát triển, Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội được tổ chức vào 10/2020 với chủ đề “Gương mẫu xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; khơi dậy ý chí, phát huy truyền thống ngàn năm văn hiến, anh hùng, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân; đẩy mạnh đổi mới sáng tạo và hội nhập quốc tế; xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại” đã đề ra đường lối, phương hướng, mục tiêu và các nhiệm vụ, giải pháp để Thủ đô vững bước tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn nữa. Đại hội đã đề ra 20 chỉ tiêu đến năm 2025, xác định 5 định hướng lớn, 14 nhóm nhiệm vụ, giải pháp và 3 khâu đột phá.
Dấu ấn đậm nét thể hiện năng lực lãnh đạo của Đảng bộ Thủ đô trong thời kỳ mới thể hiện ở việc chủ động nghiên cứu, ban hành các Nghị quyết, Chỉ thị có tính chất đường lối với tầm nhìn chiến lược tập trung vào một số lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm vừa nhằm giải quyết những vấn đề cấp thiết thực tiễn đặt ra, vừa tạo động lực cho Thủ đô phát triển.
Cụ thể như ngay sau thành công của Đại hội, Thành ủy Hà Nội đã ban hành 10 Chương trình công tác khóa XVII, nhiệm kỳ 2020-2025. Bên cạnh đó, Thành ủy đã ban hành Chương trình hành động số 16-CTr/TU của Đảng bộ Thành phố thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị “về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; Nghị quyết số 04-NQ/TU về “Tập trung xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025 và những năm tiếp theo” - là Nghị quyết chuyên đề đầu tiên của Thành ủy Hà Nội về công tác cán bộ, nhằm giải quyết cho được những tồn tại, hạn chế về công tác cán bộ thời gian qua và xây dựng đội ngũ cán bộ ngang tầm với các nhiệm vụ trong tình hình mới.
|
Hà Nội là thành phố đầu tiên trong cả nước ban hành Nghị quyết về phát triển công nghiệp văn hóa. |
Hiện thực hóa Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội về lĩnh vực phát triển văn hóa, con người, Hà Nội còn là thành phố đầu tiên trong cả nước ban hành Nghị quyết về phát triển công nghiệp văn hóa (Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 22/2/2022).
Đảng bộ Thành phố cũng đã đưa ra định hướng về quá trình triển khai hoàn thành Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi)…
Thành ủy Hà Nội đã ban hành quyết định thành lập Ban Chỉ đạo cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ trên địa bàn, cho thấy quyết tâm chính trị của thành phố trong công tác này, đặc biệt là việc tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, giải quyết kịp thời các kiến nghị chính đáng của người dân, tạo sự đồng thuận trong xã hội. Thành phố cũng đẩy nhanh tiến độ Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội. Đẩy mạnh phát triển hạ tầng số, các hoạt động khoa học công nghệ, đổi mới, sáng tạo và khởi nghiệp. Triển khai thực hiện hiệu quả phân cấp quản lý nhà nước trong từng ngành, lĩnh vực đảm bảo đồng bộ...