BÀI GIỚI THIỆU SÁCH THÁNG 10
PHÁT ĐỘNG TUẦN LỄ HƯỞNG ỨNG HỌC TẬP SUỐT ĐỜI
Năm học 2018 – 2019
“Sử ta” đó là cách nói giản dị mà gần gũi của Bác Hồ trong hai câu thơ nổi tiếng mở đầu tác phẩm “Lịch sử nước ta”: “Dân ta phải biết sử ta, Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”. “Sử ta”, đó cũng là chữ dùng của học giả Nguyễn Văn Tố, nhà sử học, đồng thời là nhà văn hóa lớn đầu thế kỷ 20, tác giả của công trình sử học đầy tự hào: Sử ta so với sử Tàu. Sử ta, cũng chính là điều mà hôm nay thư viện nhà trường muốn giới thiệu với quý độc giả thân yêu, theo một cách riêng, một khía cạnh khác - gần gũi và thân thương nhất.
Không cần nói, hẳn chúng ta cũng biết, lịch sử quan trọng thế nào với mỗi quốc gia, mỗi dân tộc và mỗi cá nhân là người của quốc gia, dân tộc đó. Là người Việt Nam, chúng ta có trách nhiệm hiểu về lịch sử dân tộc Việt Nam. Bởi người không hiểu rõ về lịch sử dân tộc là người không biết mình sống ở đâu, gốc tích mình như thế nào, tổ tiên cha ông mình là ai… từ đó sẽ không biết cách sống, cách ứng xử sao cho xứng với truyền thống của dân tộc. Đó là còn chưa kể, có hiểu lịch sử mới hun đúc nên lòng yêu nước, mới biết tự hào về nguồn gốc, tổ tiên và dân tộc mình.
Nhưng lịch sử, trong nhà trường, là một môn học và là một môn học khó. Khó không chỉ bởi tầm bao quát rộng rãi của nó mà còn về khối lượng sự kiện, dữ kiện,…khổng lồ hàm chứa trong bộ môn này. Bởi vậy, ngoài những kiến thức lịch sử mà các em được các thầy giáo, cô giáo truyền đạt trên lớp, thư viện nhà trường cũng mong muốn được đồng hành với các em trong việc trang bị cho bản thân những kiến thức lịch sử để có một vốn tri thức về truyền thống vẻ vang của dân tộc mình khi vươn ra với bạn bè khắp nơi trên thế giới.
Đến với buổi giới thiệu sách ngày hôm nay, thư viện nhà trường xin được gửi tới các thầy giáo, cô giáo cùng các em học sinh yêu quý những cuốn sách vô cùng gần gũi, dễ đọc, dễ hiểu về lịch sử nước nhà.
Đầu tiên là những cuốn sách nằm trong bộ sách "Kể chuyện lịch sử nước nhà dành cho học sinh" của tác giả Ngô Văn Phú. Bộ sách kể về những nhân vật lịch sử Việt Nam qua các triều đại, từ thời Hùng Vương dựng nước cho đến thời kì chống thực dân Pháp xâm lược. Các nhân vật lịch sử được kể hầu hết là những người có cuộc đời, sự nghiệp gắn liền với những sự kiện lớn trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc.
Cấu trúc từng truyện kể gồm hai phần chính:
1. Giới thiệu tóm tắt tiểu sử và sự kiện lịch sử gắn với nhân vật.
2. Kể chuyện về nhân vật.
Đan xen trong mỗi câu chuyện kể là hình ảnh minh họa, những chú thích về các nhân vật có liên quan đến nhân vật chính, bối cảnh, triều đại, sự kiện lịch sử mà nhân vật xuất hiện.
Quyển I trong bộ sách có tên "Thời dựng nước" kể cho chúng ta nghe về các nhân vật vừa gần gũi, thân thiết vừa hư ảo, xa xôi. Họ là ai? Họ là các vua Hùng - những người đã dựng nên đất nước nghìn năm, là Phù Đổng Thiên Vương đánh tan giặc Ân giữ yên bờ cõi với tên gọi giản dị Thánh Gióng. Họ còn là Hai Bà Trưng quyết đem trí lớn trả nợ nước rửa thù nhà, là Lý Nam Đế - vị vua đầu tiên của phương Nam dám xưng Đế nâng vị thế của dân tộc lên ngang tầm với quốc gia Phương Bắc,... Các câu chuyện về họ là những huyền sử muôn đời nhiều thế hệ Việt Nam ghi nhớ, và tên tuổi của họ còn tỏa sáng đến mãi về sau.
Quyển II viết về các đời Ngô - Đinh - Tiền Lê - Lý với nhiều sự kiện lịch sử liên quan đến các nhân vật như Ngô Quyền, Đinh Bộ Lĩnh, Lê Đại Hành, Lý Thái Tông... Đặc biệt là "huyền thoại" về Nguyên Phi Ỷ Lan với câu chuyện nhiếp chính đầy ấn tượng của một thời quá khứ. Người phụ nữ ấy đã vững vàng gánh vác việc non sông khiến cho bao người, kể cả các đấng mày râu phải ngưỡng mộ. Ngoài ra, trong những trang sách về giai đoạn lịch sử này, bạn đọc sẽ có dịp hiểu biết thêm vê Lý Thường Kiệt với áng thơ thần bất hủ "Nam quốc sơn hà" đã được xem là bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên của nước ta.
Quyển III “Thời đầu nhà Trần” và quyển IV “Thời cuối nhà Trần” kể về thời nhà Trần với hào khí ngất trời chống kẻ thù xâm lược. Những tên tuổi đầy tự hào như Trần Quang Khải, Trần Hưng Đạo, Trần Khánh Dư, Phạm Ngũ Lão, Yết Kiêu... càng khiến chúng ta yêu mến thêm lịch sử đất nước mình. Mỗi người dân Việt Nam chúng ta đã từng hãnh diện với cụm từ "hào khí Đông A”, ngày nay hãy quyết tâm phát huy hào khí ấy trong công cuộc xây dựng, đổi mới đất nước.
Đọc quyển V “Thời đầu nhà Hậu Lê” và quyển VI “Thời Tây Sơn”, các em sẽ nâng vốn hiểu biết của mình về thời đại nhà Hậu Lê, trong đó, sáng ngời tên tuổi Nguyễn Trãi - một trong những danh nhân văn hóa thế giới của Việt Nam. Cuộc đời và nhân cách của ông được ví với sao Khuê - ngôi sao sáng chói trên bầu trời rộng lớn. Đọc những trang viết về Nguyễn Trãi, chúng ta không khỏi ngậm ngùi khi biết đến vụ "oan án ngất trời vườn vải Lệ Chi" mà bởi đó, gia đình ông bị tru di tam tộc. Nhưng “trời đất đã không phụ người”, Nguyễn Trãi đã được minh oan, tên tuổi ông còn lưu mãi trong niềm yêu kính của nhiều thế hệ mai sau.
Chia tay bộ sách “Kể chuyện lịch sử nước nhà dành cho học sinh”, chúng ta cùng đến với bộ sách khác viết về lịch sử của tác giả Nguyễn Khắc Thuần có tên “Việt sử giai thoại”.
“Việt sử giai thoại” có tất cả 439 giai thoại từ lịch sử thời Hùng Vương đến thế kỷ XIX, trải qua các thời đại: Từ Văn Lang - Âu Lạc cho đến triều đại nhà Nguyễn. Bộ sách được viết dựa trên cơ sở trích dịch hàng trăm quyển sách cổ có nguồn gốc trực tiếp từ chính sử xưa. Nhờ vào kiến thức uyên bác của người viết cùng với những nguồn sử liệu quý của dân tộc như: Đại Việt sử ký toàn thư, Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Đại Việt sử lược, … bộ sách có giá trị rất lớn về tính khoa học và phục vụ thiết thực cho việc giảng dạy, học tập và nghiên cứu lịch sử dân tộc.
Bộ sách trình bày các câu chuyện ở những thời kỳ lịch sử khác nhau, từ khi nước ta xuất hiện nhà nước đầu tiên - Văn Lang, qua thời kỳ Bắc thuộc và các cuộc đấu tranh giành độc lập dẫn đến quá trình hình thành và phát triển của chế độ phong kiến, tiếp đó là khoảng thời gian nhà nước phong kiến có nhiều biến đổi, từ sự phân chia Đàng Trong - Đàng Ngoài thời vua Lê chúa Trịnh đến khi thống nhất đất nước ở đầu thế kỷ 19. Song song với những thời kỳ trên là công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội cùng sự nghiệp đấu tranh chống ngoại xâm trong các thế kỷ 10-19.
- Các độc giả yêu quý hãy tìm hiểu 36 giai thoại thời Hồ và thời thuộc Minh ở tập 4 của bộ sách. Mặc dù triều đại nhà Hồ chỉ tồn tại được vỏn vẹn chưa đầy 7 năm nhưng lại là triều đại có lắm chuyện đáng lưu tâm trong lịch sử, tiêu biểu là các giai thoại như: Hồ Quý Ly với đợt công phá đầu tiên vào triều Trần, Hồ Quý Ly mượn tay Thượng hoàng Nghệ Tông để giết vua Phế Đế, Cuộc sát hại có quy mô lớn của Hồ Quý Ly. ..
- Tập 5: 62 giai thoại thời Lê Sơ đề cập đến các giai thoại trong thời Lê Sơ. Đây là một trong những thời bi thương nhất của lịch sử dân tộc ta khi chịu ách đô hộ của nhà Minh. Tuy nhiên đây cũng là thời nhân dân ta liên tiếp vùng dậy chiến đấu một cách ngoan cường với hàng loạt các anh hùng hào kiệt dựng cờ xướng nghĩa đánh giặc cứu nước. Xin điểm qua một vài giai thoại trong cuốn sách như: Lý lịch xuất thân của Lê Lợi, Sự tích điện Tiên Du, Lê Lai cứu chúa….
- Tập 6: 65 giai thoại thế kỷ XVI-XVII. Trong hai thế kỷ này, nhiều thế lực và nhân vật khá đặc biệt đã nổi lên với những vị trí khác nhau. Mở đầu cho chuỗi sự kiện đặc biệt đó chính là việc Mạc Đăng Dung cướp ngôi nhà Lê và dựng lên triều Mạc vào năm 1527. Các giai thoại trong tập sách này có thể kể đến như: Lời khuyên của Trạng nguyên Nguyễn Bỉnh Khiêm, Chính quyền vua Lê - chúa Trịnh thực sự có từ lúc nào, Lê Duy Tân bất ngờ được… làm vua, Bán một dải giang sơn lấy 4000 lạng bạc…
- Tập 7: 69 giai thoại thế kỷ XVIII. Với tập sách này các bạn sẽ nhận thức sâu sắc hơn về vận mệnh dân tộc thế kỷ XVIII, đây là thế kỷ đầy những biến cố sâu sắc và lớn lao. Còn đó sông Gianh như lưỡi gươm cắt đôi xứ sở. Còn đó Đàng Ngoài, cung vua và phủ chúa, chung hoàng thành mà chẳng chung nỗi ưu tư. Còn đó Đàng Trong với những cuộc mưu toan hãm hại nhằm tranh giành quyền bính… Và còn đó, trên khắp đất nước ta thời bấy giờ là những cuộc vùng lên khuấy nước chọc trời của hàng vạn những người nông dân đói khổ. Thế kỷ XVIII là thế kỷ của chiến tranh nông dân, của những cuộc tấn công không khoan nhượng vào toàn bộ cơ chế của nhà nước. Và cũng chính những người nông dân đó đã gánh thay nhà nước trọng trách đánh đuổi giặc ngoại xâm, đưa dân tộc thoát khỏi họa xâm lăng. Những giai thoại trong tập sách có thể kể đến như: Lời vĩnh quyết của Chưởng cơ Nguyễn Hữu Cảnh, Xem mặt mà bắt… làm vua, Quần đảo Hoàng Sa thời chúa Nguyễn Phúc Khoát…
Nối tiếp các bộ sách trên là bộ sách “Sử ta chuyện xưa kể lại” của nhóm tác giả Nguyễn Huy Thắng, Nguyễn Như Mai và Nguyễn Quốc Tín.
Sử ta chuyện xưa kể lại được chia làm 4 tập, sắp xếp theo dòng thời gian gắn liền với các giai đoạn phát triển của đất nước. Từ thuở Vua Hùng dựng nước với các sự tích về con rồng cháu tiên, Thánh Gióng, An Dương Vương và thành Cổ Loa trải qua các triều đại phong kiến Đinh, Lý, Trần, Lê cho tới ngày khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, một chặng đường dài đầy những cuộc chiến chống lại thù trong giặc ngoài, nhưng không lúc nào vắng bóng những vị anh hùng xả thân vì nước.
Ở tập 1 của bộ sách, các tác giả kể cho chúng ta những câu chuyện từ thời các vua Hùng dựng nước và giữ nước. Thông qua những câu chuyện hay và đầy thú vị, cuốn sách đã truyền cảm hứng đến bạn đọc, nhất là độc giả nhỏ tuổi, về nguồn cội cũng như các trang sử vẻ vang và bi tráng của dân tộc ta. Như câu chuyện “Con Rồng, cháu Tiên” giải thích cho chúng ta về nguồn gốc, tổ tiên của dân tộc Việt.
Hay câu chuyện “Vua Hùng dựng nước Văn Lang” lại cho chúng ta biết thuở ban đầu tên nước ta là gì. Địa điểm lập kinh đô của vua Hùng ở đâu. Khi đó cuộc sống của người dân ra sao. Sự ra đời của trống đồng cổ và ý nghĩa của tiếng trống đồng đối với dân tộc…
Và còn rất nhiều những câu chuyện khác thu hút bạn đọc như “Thánh Gióng đánh giặc Ân”, “Sự tích bánh chưng bánh dày”, “Bí ẩn thời các vua Hùng” … với những nội dung sâu sắc và gây hứng thú cho người đọc.
Sang tập 2 chúng ta sẽ biết được Lý Công Uẩn khai mở vương triều Lý như thế nào và tại sao Lý Thái Tổ lại dời đô về Thăng Long. Các em cũng sẽ được tìm hiểu về Văn Miếu - Quốc Tử Giám: Trường đại học đầu tiên của nước ta, gặp gỡ vị Nữ hoàng đầu tiên và duy nhất trong lịch sử nước nhà - Lý Chiêu Hoàng, bên cạnh đó còn có câu chuyện về Người mang lá cờ sáu chữ vàng - Anh hùng thiếu niên Trần Quốc Toản…
Tập 3 của bộ sách bao quát từ những Chuyện ông Trạng, ông Nghè thời Mạc; Sự ra đời của chữ Quốc ngữ; việc thực thi chủ quyền tại hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của các chúa Nguyễn; Nhà bác học Lê Quý Đôn hay danh y Hải Thượng Lãn Ông đến Sự suy tàn của triều đại Tây Sơn.
Bên cạnh chuyện về các nhân vật, chuyện về các sự kiện mang tính chất dấu mốc, quan trọng cũng được "kể" với ngôn ngữ gần gũi, gợi mở.
Chúng ta sẽ không bao giờ yêu được sử nước nhà khi không nhìn những nhân vật, sự kiện trong một tổng thể của cái hay, cái dở, của những cao cả xen lẫn cái đời thường, của khát vọng và bi kịch số phận con người.
Đọc bộ sách Sử ta chuyện xưa kể lại các thầy cô và các em sẽ hiểu rõ hơn về nội dung và hiểu biết thêm về lịch sử của dân tộc ta. Cách viết ngắn gọn, xúc tích với mục đích gợi mở là chính khơi dậy những rung động cảm xúc cho độc giả. Bởi thế bộ sách như là sự đề dẫn, khởi động để độc giả sẵn sàng một tâm thế tiếp tục tìm tòi, giải mã những vấn để còn tranh cãi của lịch sử.
Các bạn học sinh thân mến, ông bà ta thường ví “sướng như công chúa” vậy sướng như công chúa là như thế nào, có phải cứ là công chúa thì sẽ được sống sung sướng không. Muốn biết các nàng công chúa nhà ta sướng khổ ra sao mời các em tìm đọc cuốn Kể chuyện các vương phi, công chúa, nữ cung triều Nguyễn mà ở đó các em sẽ được biết về “Tổ chức và đời sống của nữ giới trong hoàng cung triều Nguyễn”, trang phục hay lễ nghi của họ qua các phần như “Mũ áo hoàng hậu”, “Mũ áo công chúa”, “Lễ tấn tôn hoàng thái hậu, “Lễ cưới công chúa”… Mặc dù không thể đại diện cho cuộc sống của các nữ nhi trong cung cấm dưới các triều đại phong kiến nhưng hy vọng cuốn sách nhỏ này sẽ giúp các em tìm hiểu về cuộc sống, các lễ nghi thường ngày cũng như các dịp đặc biệt của các vương phi, công chúa và các nữ cung trong triều đình.
Đây cũng là cuốn sách cuối cùng trong buổi giới thiệu sách ngày hôm nay của thư viện trường THCS Phương Liệt. Rất mong nhận được sự quan tâm, đón đọc của quý độc giả.
Các thầy giáo, cô giáo cùng các em học sinh yêu quý!
Lịch sử, đó chính là cuộc đời, cuộc đời được ghi lại bằng những dấu ấn đặc biệt của một dân tộc, một đất nước, và của những con người, tất nhiên là những con người lịch sử. Chính vì thế, học lịch sử là học cách bước vào cuộc hành trình của thời gian, đắm mình trong quá khứ, để có thể hiểu hơn về từng cuộc đời, từng nhân vật của thế hệ trước. Họ có thể là người đại diện tiêu biểu của đất nước qua từng thời kỳ, hoặc có thể chỉ là một mắt xích nhỏ làm nên bánh quay của cỗ xe thời gian. Dù có thế nào đi nữa thì chính họ đã làm nên những trang lịch sử chói lọi của dân tộc. Để hôm nay chúng ta nhìn lại có thể cảm thấy vui sướng tự hào trước những chiến công của thế hệ trước, cũng có thể đau đớn, xót xa trước những khổ đau mà dân tộc đã phải trải qua.
Hy vọng rằng buổi giới thiệu sách ngày hôm nay của thư viện nhà trường sẽ góp phần giúp các bạn, các em có thêm các tài liệu đáng quý để tìm hiểu về lịch sử nước nhà, từ đó thêm hiểu và thêm yêu truyền thống vẻ vang của dân tộc mình.
Các bạn học sinh thân mến! Học tập là một việc không ngừng nghỉ, nếu không học là lùi. Học lịch sử cũng vậy. Nhưng học như thế nào và học ở đâu là điều rất quan trọng. Chúng ta hãy học tập hàng ngày, học ở mọi lúc, mọi nơi như Bác Hồ từng căn dặn “Học ở trường, học trong sách vở, học lẫn nhau và học nhân dân”. Và đó cũng chính là chủ đề mà buổi giới thiệu sách của chúng ta hướng tới ngày hôm nay!
Phần điểm sách của thư viện xin được kết thúc tại đây. Xin trân trọng cảm ơn sự lắng nghe của các thầy giáo, cô giáo và các em học sinh!
Xin chào và hẹn gặp lại!
Hà Nội, ngày 03 tháng 10 năm 2018
Thư viện