Ngày 7 tháng 9 năm 2015, Phòng giáo dục và đào tạo Quận Thanh Xuân ban hành hướng dẫn triển khai Kế hoạch giáo dục an toàn giao thông năm học 2015 - 2016 và Cuộc thi viết "Vì an toàn giao thông Thủ đô năm 2015":
PHẦN A. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
I. MỤC ĐÍCH
1. Nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác giáo dục ATGT trong các cơ sở giáo dục, thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ và giải pháp của ngành Giáo dục và Đào tạo được quy định tại Nghị quyết số 88/NQ-CP của Chính phủ;
2. Đẩy mạnh tuyên truyền các quy định về trật tự ATGT trên các phương tiện thông tin; cảnh báo nguy cơ và hậu quả mất ATGT nhằm nâng cao nhận thức, ý thức, thái độ tham gia giao thông trong HSSV; góp phần giảm ùn tắc và tai nạn giao thông; tăng cường trật tự và văn minh đô thị.
3. Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ và có nền nếp về việc chấp hành các quy định của pháp luật về ATGT, văn hóa giao thông trong cán bộ, giáo viên, nhân viên và HSSV trên địa bàn Thành phố.
II. YÊU CẦU
1. Tất cả các nhà trường phải xây dựng và tổ chức thực hiện hiệu quả công tác giáo dục ATGT năm học 2015-2016; tích cực tham gia Cuộc thi viết "Vì ATGT Thủ đô năm 2015".
2. Công tác tuyên truyền các nội dung giáo dục ATGT và Cuộc thi viết "Vì ATGT Thủ đô năm 2015" phải được triển khai đến tất cả cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh và cha mẹ học sinh.
3. Tuyên truyền giáo dục đi đôi với khen thưởng và xử lý tập thể, cá nhân vi phạm Luật khi tham gia giao thông. Công tác xử lý vi phạm thống nhất theo Kế hoạch số 240/KH-GD&ĐT ngày 15/01/2013 của Sở GD&ĐT về triển khai công tác đảm bảo trật an ninh, an toàn trường học, các biện pháp giáo dục ATGT và sử dụng điện thoại di động trong và ngoài nhà trường, giai đoạn 2013 - 2015.
PHẦN B. NỘI DUNG TRIỂN KHAI CÁC HOẠT ĐỘNG
I. TRIỂN KHAI CÔNG TÁC GIÁO DỤC ATGT NĂM HỌC 2015 - 2016
1. Nội dung tuyên truyền giáo dục ATGT
Giáo dục học sinh nắm vững các quy định của pháp luật; có kỹ năng cơ bản khi tham gia giao thông; tích cực tham gia các hoạt động tuyên truyền giáo dục ATGT, cụ thể như sau:
1.1. Đối với giáo dục mầm non
- Bước đầu tập làm quen và tập nhận biết một số phương tiện giao thông: đường bộ, đường sắt, đường thủy và đường hàng không; màu sắc, hình dạng quy định của một số tín hiệu giao thông đơn giản, cần thiết.
- Biết cách ngồi an toàn trên các phương tiện tham gia giao thông (xe đạp, xe mô tô, xe gắn máy, tàu hỏa, thuyền, đò...); biết đi bộ an toàn.
1.2. Đối với giáo dục tiểu học
- Nắm vững, thực hiện và biết yêu cầu người thân khi đưa, đón thực hiện hiệu lệnh và chỉ dẫn của tín hiệu đèn giao thông, biển báo hiệu đường bộ, CSGT và Văn hóa giao thông.
- Biết đảm bảo an toàn khi đi bộ, đi xe đạp trên đường và qua đường, khi ngồi sau xe đạp, xe máy; khi lên - xuống ô tô, xe buýt; chấp hành nghiêm quy định đội mũ bảo hiểm khi ngồi sau xe môtô, xe gắn máy và xe đạp điện;
- Tham gia có hiệu quả các cuộc thi về giao thông do Bộ GD&ĐT tổ chức.
1.3. Đối với giáo dục trung học cơ sở
- Nắm vững và thực hiện nghiêm hiệu lệnh và chỉ dẫn của tín hiệu đèn giao thông, biển báo hiệu đường bộ, CSGT; các quy định về ATGT đường sắt, đường thuỷ nội địa. Từ đó đảm bảo an toàn khi đi bộ, đi xe đạp qua đường ở nơi không có biển chỉ dẫn, nơi đường bộ giao nhau với đường sắt; chấp hành nghiêm quy định về đội mũ bảo hiểm khi ngồi sau xe môtô, xe gắn máy và xe đạp điện;
- Có kỹ năng phòng, tránh tình huống giao thông nguy hiểm, phòng ngừa tai nạn giao thông; thực hiện tốt văn hóa khi tham gia giao thông. Có ý thức thực hiện và tuyên truyền cho mọi người biết giữ gìn và bảo vệ hành lang đường sắt, phòng - tránh tai nạn khi bơi lội hoặc đi đò.
- Tích cực tham gia cuộc thi về giao thông do Bộ GD&ĐT tổ chức.
2. Hình thức tuyên truyền, giáo dục
- Tuyên truyền thông qua các buổi truyền thông, tổ chức chuyên đề, ngày hội, các hội thi tìm hiểu pháp luật đảm bảo trật tự ATGT; lồng ghép trong các buổi chào cờ, sinh hoạt lớp, sinh hoạt đoàn, đội; thông qua hệ thống phát thanh...
- Tuyên truyền, giáo dục thông qua các giờ giảng dạy chính khóa, các hoạt động ngoại khóa; chú trọng mở rộng tuyên truyền tới các bậc cha mẹ học sinh.
- Tuyên truyền trực quan thông qua: xây dựng hệ thống panô, áp phích, băng rôn, tờ gấp, khẩu hiệu,Website của các cơ sở giáo dục...
* Khẩu hiệu các đơn vị có thể lựa chọn để tuyên truyền
- An toàn giao thông là hạnh phúc của mọi nhà!
- An toàn cho con - trọn tình cha mẹ.
- Đội mũ bảo hiểm đạt chuẩn, đúng quy cách khi đi xe máy, xe đạp điện;
- Đã uống rượu, bia - Không lái xe;
- Điều khiển xe đi đúng phần đường, làn đường quy định;
- Dừng lại quan sát trước khi qua đường;
- Em yêu đường sắt quê em!
- Thay đổi văn hóa giao thông - bắt đầu từ chính bạn!
3. Biện pháp triển khai thực hiện
3.1. Các nhà trường căn cứ tình hình thực tiễn, xây dựng kế hoạch tuyên truyền, giáo dục các quy định đảm bảo trật tự ATGT, nếp sống văn hoá khi tham gia giao thông cho học sinh; đồng thời lựa chọn nội dung phù hợp với thực tiễn đơn vị để viết bài tuyên truyền - tham mưu với các cấp chính quyền địa phương chỉ đạo cơ quan thông tin đại chúng của địa phương thường xuyên tuyên truyền đến cha mẹ học sinh trong các thôn, xóm, tổ dân phố.
Các nhà trường thường xuyên tuyên truyền giáo dục ATGT cho học sinh thông qua pano, băng rôn, khẩu hiệu, đài phát thanh (vào đầu - cuối giờ học)...
3.2. Ngay từ đầu năm học, các trường Tiểu học và THCS tổ chức triển khai ký cam kết với cha mẹ học sinh và học sinh về việc chấp hành các quy định của pháp luật đảm bảo trật tự ATGT; thực hiện hiệu quả đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy ATGT trong trường học;
3.3. Các trường học xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm ATGT (quy định tại mục 3 - phần III - Kế hoạch 240/KH-SGD&ĐT ngày 15/01/2013 của Sở GD&ĐT Hà Nội về triển khai công tác đảm bảo an ninh, an toàn trường học, các biện pháp giáo dục ATGT và sử dụng điện thoại giai đoạn 2013 - 2015)và báo cáo kết quả xử lý đúng thời hạn quy định. Lấy thái độ, hành vi về thực hiện ATGT của học sinh là tiêu chí đánh giá rèn luyện, xếp loại.
3.4. Các nhà trường phối hợp với địa phương và các tổ chức xã hội triển khai hiệu quả các chuyên đề do Sở GD&ĐT, phòng GD&ĐT chỉ đạo; sau chuyên đề có đánh giá, rút kinh nghiệm chỉ đạo thực hiện cụ thể.
Phối hợp với các cơ quan chức năng trên địa bàn tổ chức hướng dẫn giao thông khu vực cổng trường vào giờ cao điểm; bố trí giờ học, giờ tan học hợp lý để tránh ùn tắc giao thông; vận động học sinh hạn chế sử dụng phương tiện giao thông cá nhân; mở cổng trường để phụ huynh vào sân đưa đón học sinh.
3.5. Tăng cường kiểm tra và tự kiểm tra, đánh giá các đơn vị về công tác giáo dục ATGT; đưa nội dung chấp hành pháp luật về trật tự ATGT vào một trong các nội dung đánh giá thi đua các nhà trường trong năm học.
Báo cáo tình hình và kết quả thực hiện các nội dung trên về Phòng Giáo dục và Đào tạo cho đ/c Nguyễn Thị Diệu Thúy vào tuần 1 tháng 01 và tháng 5 năm 2016.
II. TRIỂN KHAI CUỘC THI VIẾT "VÌ ATGT THỦ ĐÔ NĂM 2015"
Để thu hút được đông đảo cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh trên địa bàn quận hưởng ứng tham gia cuộc thi viết "Vì ATGT Thủ đô năm 2015", Phòng GD&ĐT Thanh Xuân đề nghị các nhà trường thực hiện những nội dung sau:
1. Chỉ đạo, tuyên truyền về cuộc thi trong nhà trường; tổ chức, hướng dẫn để cán bộ, giáo viên, nhân viên, HSSV tham gia cuộc thi tích cực, hiệu quả. Chú ý: cuộc thi có 2 phần riêng, trao giải riêng. Gồm: giải thi viết - dành cho cá nhân và giải thi tìm hiểu - dành cho cả tập thể và cá nhân (phụ lục 2: Thể lệ - gửi kèm).
2. Triển khai phát động cuộc thi, thu bài và gửi bài dự thi như sau:
- Các nhà trường tổng hợp số người tham gia dự thi - số bài thi (phụ lục 1: Báo cáo thống kê - gửi kèm) về Phòng GD&ĐT bằng văn bản và qua email trước ngày 17/12/2015;
- Bài dự thi đóng gói, ghi rõ tên trường rồi gửi trực tiếp về: Báo Kinh tế & Đô thị, số 21 Huỳnh Thúc Kháng, Đống Đa, Hà Nội; Email: toasoanktdt@gmail.com; ĐT: 043.7760444; Fax: 043.2484413; Người nhận: Ông Đồng Trần Quý – Điện thoại: 0913527000; Ông Nguyễn Cao Cường – Điện thoại: 0904201277.
Phòng GD&ĐT Hà Nội đề nghị các nhà trường triển khai thực hiện nghiêm túc và có hiệu quả các nội dung hoạt động trên./.