Trong cuộc đời mỗi người, có mấy ai không từng đi qua những khó khăn, mấy ai không rẽ lối một đôi lần? Với tôi, khi vừa kết thúc quãng đường dài gắn bó với giảng đường đại học là biết bao điều xa lạ, bỡ ngỡ nơi chặng đường mới mà tôi sắp bước tới. Thế nhưng, có lẽ gặp được chị là một điều may mắn dành đối với tôi. Chị đã cho tôi niềm tin để bước tiếp và truyền cảm hứng khi tôi tưởng rằng mình đã nản lòng, buông bỏ bởi những khó khăn khi mới vào nghề. Chị không chỉ là một người đồng nghiệp, một bậc tiền bối mà với tôi chị còn là một người chị hết mực đáng quý, người đã khơi dậy trong tôi niềm đam mê với nghề giáo, đó là chị Văn Thị Tám – tổ trưởng tổ Xã hội, trường THCS Phương Liệt.
Chị Văn Thị Tám và các giáo viên, học sinh trong lễ Sơ kết học kì I năm học 2016 - 2017
Lần đầu tiên khi tôi gặp chị, tôi đã rất ấn tượng bởi giọng nói nhẹ nhàng, dáng đi khoan thai, khuôn mặt khả ái và đặc biệt là đôi mắt cười của chị. Chị rất hay cười, điều đó khiến tôi chưa khi nào có cảm giác xa lạ với chị. Từng cử chỉ của chị toát lên sự dịu dàng, đúng chất của một giáo viên dạy văn. Có lẽ chính bởi điều đó mà chị luôn nhận được sự yêu mến của đồng nghiệp, sự kính trọng của học trò. Tôi yêu mến những tính cách và phẩm hạnh ở chị, nhưng có lẽ điều mà tôi ấn tượng và nể trọng nhất là niềm say mê với nghề của chị. Câu chuyện mà tôi được nghe khi chị mới vào nghề thực sự gây cho tôi nhiều cảm xúc và tôi luôn lấy đó để nhắc nhở chính mình. Chị bắt đầu với nghề dạy học năm 2003, khi đó chị công tác tại một trường học nhỏ ở Hà Đông - ngoại thành Hà Nội. Nói là ngoại thành thủ đô, nhưng trong thời gian đó Hà Đông vẫn là khu nông thôn chưa được đô thị hóa. Người dân nơi đây vẫn giữ lối tư duy cũ, họ coi trọng việc lao động nông nghiệp và chưa nhận thức được giá trị của giáo dục. Chính vì vậy, học sinh bỏ học ở nhà phụ giúp gia đình làm nông nghiệp là một chuyện không quá lạ. Với sự tâm huyết với nghề và sự nhiệt thành của tuổi trẻ, chị Tám đã đi đến từng gia đình, gặp gỡ phụ huynh để khuyên họ cho con em đến trường. Thậm chí, chị còn chấp nhận bỏ những đồng lương ít ỏi của mình để đóng học phí cho những học sinh khó khăn để các em được tiếp tục đi học. Câu chuyện tưởng chừng xa xôi, nhưng chỉ khi tiếp xúc với chị, tôi mới thực sự cảm nhận được sự đam mê nghề nghiệp và sự cống hiến thầm lặng của một cô giáo yêu nghề, yêu trẻ.
Chị Văn Thị Tám với học sinh trường THCS Phương Liệt
Năm 2006, chị chuyển công tác và về trường giảng dạy, đến nay đã hơn mười năm; thế nhưng nhiệt huyết với nghề trong chị vẫn chưa nguội tắt, cho tới giờ tôi vẫn còn cảm nhận thấy sự say mê ở chị. Chính sự say mê ấy và thái độ làm việc nghiêm túc đã đem lại cho chị nhiều thành công mà chị hoàn toàn xứng đáng. Chị đã đạt nhiều danh hiệu: Giáo viên giỏi cấp quận, Chiến sĩ thi đua, Giỏi việc nước đảm việc nhà, Giấy khen của Đoàn Đội và hướng dẫn nhiều học sinh đạt danh hiệu học sinh giỏi cấp thành phố môn Giáo dục công dân…và hiện nay chị đang giữ vị trí là Tổ trưởng Tổ Xã hội. Nhưng có lẽ, thành công lớn nhất trong nghề giáo đó chính là sự yêu mến, kính trọng của học trò. Học sinh trong trường và đặc biệt là học sinh ở lớp mà chị giảng dạy, ai ai cũng yêu quý chị, các trò thường gọi chị với tên thân thương - “mẹ Tám”. Đối với học sinh, tôi chưa khi nào thấy chị quát mắng to tiếng khi các trò mắc lỗi. Trong những tiết dạy, chị truyền mọi cảm xúc và niềm say mê qua từng lời giảng, đoạn bình. Đã có nhiều học sinh yêu thích hơn môn Văn nhờ những bài giảng mượt mà, sâu lắng của chị.
Chị Tám không chỉ yêu thương, ân cần với học sinh mà còn luôn vui vẻ, hết lòng giúp đỡ đồng nghiệp. Trong trường, các đồng nghiệp đều quý mến và tin yêu chị. Đặc biệt là với những đồng nghiệp trẻ như tôi, ai cũng muốn được học hỏi trình độ và phẩm chất của chị. Buổi đầu tiên tôi về trường giảng dạy, chị đến dự giờ tôi. Lần đầu tiên đứng trên bục giảng với vai trò là một giáo viên thực sự, tôi đã rất bỡ ngỡ và có nhiều sai sót. Chị là người đã chỉ dạy tôi, hướng dẫn tôi từ cách viết bảng, cách giảng bài, cử chỉ với học trò. Những lời chị chỉ dạy tôi không phải như một người đi trước đang khiển trách hậu bối mà đó là những lời khuyên dạy nhẹ nhàng mà thấm thía, là bài học đầu tiên khi tôi bước chân vào nghề dạy học. Chính nhờ có chị mà tôi đã quyết tâm thực hiện bài giảng khác để chị dự giờ và lại được chị nhận xét, chỉ dẫn trong cách lên lớp. Về trường một thời gian tuy chưa lâu, được làm việc và tiếp xúc với chị nhiều hơn đủ cho tôi thêm phần hiểu, yêu mến và cảm phục chị. Chị đã truyền động lực cho tôi để bước tiếp con đường mình đã chọn, chị giúp tôi trưởng thành hơn từng ngày và hiểu được giá trị của sự cống hiến.
Có lẽ, bất cứ giáo viên nào khi lựa chọn nghề dạy học cũng đều bắt đầu với những ước muốn cao đẹp. Nghề giáo, người ta nói là nghề trồng người, là nghề cao quý nhất. Cũng như bao người khác, tôi bắt đầu vào nghề với nhiều bỡ ngỡ, xa lạ. Nhưng chính chị đã kéo tôi lại gần hơn với công việc và truyền cho tôi lửa nhiệt đam mê. Không chỉ có tôi, mà biết bao những thế hệ học trò kế tiếp nhau của chị vẫn đang được chị truyền cảm hứng. Môn Văn không còn nhạt nhẽo, máy móc như trong cảm nhận của học trò nhờ người giáo viên như chị. Chị chính là người thầy dạy nghề đầu tiên trong cuộc đời sự nghiệp của tôi, chị cho tôi nhiều hơn những gì tôi mong đợi. Tôi thực lòng muốn nói lời cảm ơn, cảm ơn vì chị đã khơi dậy trong tôi niềm đam mê nghề nghiệp, cảm ơn vì chị đã cho tôi những bài học đáng quý, cảm ơn chị - một giáo viên đáng kính!