Các em thân mến,
Chắc các em không hề xa lạ khi nhắc đến cái tên Nguyễn Nhật Ánh, bởi ông là một nhà văn viết về thiếu nhi rất nổi tiếng, tuy nhiên không chỉ làm thơ, viết văn xuôi về tuổi mới lớn mà ông còn viết cả tạp văn, ông trò chuyện với đủ mọi người, từ gã họ Đỗ ở báo Sài Gòn Tiếp Thị đến các bạn đọc nhí của tờ Mực Tím, từ chị trông giữ xe đến những người hàng xóm, bà cụ bán nước, từ cô con gái nhỏ trong nhà đến những em bé chẳng hề quen…lang thang trong những kiếp người..
Đọc tạp văn của Nguyễn Nhật Ánh, thấy ông vẫn phát huy sự dí dỏm sở trường trong văn tự sự của mình, ông vốn không quen đụng chạm những vấn đề thời sự - xã hội trực tiếp, giọng văn luôn ôn nhu, từ tốn, không bao giờ lên giọng dạy đời, dù là nói những chuyện bức xúc như nỗi khổ của chị luống tuổi còn độc thân khi làm thủ tục sang tên nhà hay nỗi khó của một làng quê đi quyên tiền để sửa chữa một đoạn đường lầy lội.
Và hôm nay, cô sẽ giới thiệu đến các em một cuốn tạp văn rất đáng để đọc và trải nghiệm của nhà văn Nguyễn Nhật Anh, đó là “Người Quảng đi ăn mì Quảng”. Tạp văn này do Nhà xuất bản Trẻ Hà Nội in ấn và phát hành có độ dày 202 trang với khổ 13 x 20cm.
Là tạp văn, tập sách này nói đủ thứ chuyện trên trời dưới bể, nhưng rồi không phải ngẫu nhiên mà tác giả lại chọn nhan đề “Người Quảng đi ăn mì Quảng”. Bao nhiêu nhà văn đã thao bút qua việc bình phẩm các món ăn dọc đường đi của dân tộc mình từ Bắc vào Nam như Tản Đà, Nguyễn Tuân, Thạch Lam, Vũ Bằng… có điều Nguyễn Nhật Ánh bình phẩm món ăn thì ít mà bình phẩm về tâm tình của người ăn thì nhiều. Ai mà không đồng ý khi anh nói rằng người Quảng ở Sài Gòn đi ăn mì Quảng là để tìm một chút hương vị quê nhà, một chút thôi, chứ không bao giờ là trọn vẹn. “Người Quảng xa xứ đi ăn mì Quảng không giống như khi đi ăn các hứ khác như lẩu dê hay bò bảy món. Họ không chỉ ăn bằng miệng, bằng vị giác hay khứu giác, không phải đơn thuần chỉ để thưởng thức cái ngon. Người Quảng đi ăn mì Quảng là đi ăn bằng tâm trạng. Họ bước vào quán bán mì Quảng bằng bước chân hồi hộp, thắc thỏm, với tất cả nỗi háo hức phập phồng như đến điểm hẹn với người quen cũ. Gặp tô mì Quảng giữa Sài Gòn, với người Quảng đó là nỗi mừng rỡ tha hương ngộ cố tri”
Tuy nhiên tạp văn của Nguyễn Nhật Ánh không chỉ luận bàn về mì Quảng. Anh nói đủ mọi thứ trên trời dưới bể. Từ món ăn đến thư pháp, từ sân khấu đến điện ảnh, từ chuyện ở nhà đến chuyện cơ quan, từ chuyện siêu thị đến chuyện phố xá, từ chuyện Sài Gòn đến chuyện miền Tây… Anh luận bàn đủ thứ: từ lớn đến nhỏ, từ đồ giả đến cuộc náo loạn Hollywood, từ quạt Cophaco đến quạt Ba Tiêu… Anh cũng thích đủ mọi thứ: từ thú đọc quảng cáo đến nghe cải lương bên sông Tiền, từ xem bóng đá đến ngắm hoa đào trong tranh, rồi “chat”… Rồi buồn và nuối tiếc những kỷ niệm xưa như Chia tay buổi chiều, Sách của một thời, Buồn gì đâu…
Nếu đã yêu thích Nguyễn Nhật Ánh rồi, vậy các em hãy thử đọc để cảm nhận những cảm xúc khác của nhà văn, cũng là thêm một góc nhìn khác cho bản thân mình các em nhé!